Ăn uống và dinh dưỡng

Một đứa trẻ mới biết đi cần khoảng 1000 calo mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu phát triển, tích trữ năng lượng và dinh dưỡng. Nếu bạn đã từng ở trong chế độ ăn 1000 calo/ngày, bạn sẽ biết rằng đó không phải là quá nhiều thức ăn

Bạn có lẽ sẽ nhận thấy rằng sự thèm ăn của bé giảm mạnh sau lần sinh nhật đầu tiên.  Bé đột ngột trở nên kén cá chọn canh, quay đầu bỏ đi sau khi chỉ mới ăn được vài muỗng, hoặc bé sẽ không muốn ngồi vào bàn khi giờ ăn đến. Dường như bé nên ăn nhiều hơn khi mà bé ngày càng năng động hơn, tuy nhiên cũng có lý do cho sự thay đổi này.  Đó là bởi tốc độ phát triển của bé nay đã chậm lại nên bé thực sự không cần nhiều thức ăn như trước nữa.

Một đứa trẻ mới biết đi cần khoảng 1000 calo mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu phát triển, tích trữ năng lượng và dinh dưỡng. Nếu bạn đã từng ở trong chế độ ăn 1000 calo/ngày, bạn sẽ biết rằng đó không phải là quá nhiều thức ăn. Nhưng con bạn sẽ chỉ cần bấy nhiêu đó thức ăn cho một ngày, vì thế hãy chia khẩu phần của bé thành ba bữa ăn chính và hai bữa ăn phụ mỗi ngày. Tuy nhiên đừng hy vọng bé luôn luôn ăn uống theo kiểu đó, bởi vì thói quen ăn uống của những đứa trẻ mới biết đi rất thất thường và không thể đoán trước được từ ngày này qua ngày khác. Bé có thể ăn tất cả mọi thứ ở trong tầm mắt vào buổi sáng nhưng lại không ăn gì thêm cho đến hết ngày. Hay bé có thể chỉ ăn thức ăn yêu thích trong ba ngày liên tục nhưng sau đó lại không thèm động đến nữa. Hoặc bé có thể ăn 1000 calo/ngày nhưng trong một hoặc hai ngày tiếp theo bé sẽ ăn nhiều hơn hoặc ít hơn con số 1000 rất nhiều. Nhu cầu của con bạn sẽ thay đổi tùy thuộc vào mức độ hoạt động, tốc độ phát triển và sự trao đổi chất của bé.

Như một quy tắc chung, thật sự sai lầm khi chuyển giờ ăn thành những cuộc cãi nhau để bắt bé ăn theo một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng.  Bé không phải đang hắt hủi bạn khi bé từ chối món ăn mà bạn chuẩn bị, vì vậy đừng cho rằng mình bị xúc phạm.  Ngoài ra, bạn càng ép bé ăn nhiều bao nhiêu thì bé lại càng ít tuân theo bấy nhiêu.  Thay vào đó, hãy cho bé tự lựa chọn thứ mình muốn ăn trong số những món ăn dinh dưỡng mà bạn đã chuẩn bị.  Đồng thời hãy cố gắng làm phong phú thực đơn của bé đến hết mức có thể.

Nếu bé từ chối mọi thứ, bạn có thể cho bé thử lại món đó sau, khi bé cảm thấy đói.  Tuy nhiên, đừng cho chúng ăn đầy bụng bánh quy hoặc đồ ngọt sau khi từ chối bữa ăn, bởi vì điều đó chỉ càng khiến bé quan tâm vào những thức ăn được cho là không có calo (đó là những món tuy có nhiều calo nhưng lại thiếu những chất dinh dưỡng quan trọng như là vitamin và chất khoáng) và làm giảm bớt sự ngon miệng đối với những món có dinh dưỡng.  Nghe có vẻ khó tin nhưng chế độ ăn của bé sẽ tự động cân bằng lại sau vài ngày nếu bạn chịu khó chuẩn bị sẵn cho bé những món ăn bổ dưỡng và để bé tự lựa chọn món mình muốn.

Từ một tuổi trở đi, bé nên uống chất lỏng từ ly, tách.  Bây giờ thì bé cũng sẽ cần ít sữa hơn bởi đa số lượng calo bé hấp thụ vào là từ những thức ăn dạng rắn.  Bé cần những thức ăn đến từ 4 nhóm dinh dưỡng cơ bản:

  1. Thịt, cá, gia cầm, trứng (cho bé chất đạm)
  2. Sản phẩm bơ sữa (cho bé chất béo)
  3. Trái cây và rau quả (cho bé vitamin và chất khoáng)
  4. Ngũ cốc, khoai tây, cơm, bánh mì, mì ống (cho bé năng lượng)

Khi lên thực đơn cho bé bạn hãy nhớ rằng cholesterol và những chất béo khác rất quan trọng cho việc phát triển bình thường, vì vậy không nên loại bỏ chúng trong khoảng thời gian này.  Những đứa bé sơ sinh và trẻ mới biết đi nên nhận một nửa lượng calo cần thiết từ chất béo.  Bạn có thể từ từ giảm lượng chất béo một khi bé được 2 tuổi (giảm còn 1/3 lượng calo tiêu thụ mỗi ngày khi bé được 4 hoặc 5 tuổi).  Dù rằng hiện tượng béo phì ở trẻ nhỏ đang gia tăng nhưng bé vẫn cần được hấp thụ chất béo.  Nếu bạn vẫn giữ lượng calo nhận vào của bé khoảng 1000 calo một ngày, bạn sẽ không cần lo lắng về việc bé ăn quá mức dẫn đến tăng cân quá nhiều.

Khi bé được một tuổi, bé có thể ăn hầu hết thức ăn mà bạn làm cho cả gia đình nhưng cần chú ý một số điều sau.  Đầu tiên, hãy chắc rằng thức ăn đủ nguội để không làm phỏng miệng đứa bé.  Bạn nên tự kiểm tra nhiệt độ của món ăn vì bé sẽ múc thức ăn vào miệng mà không mảy may để ý đến độ nóng.  Cũng đừng nên cho bé ăn những món quá cay, mặn, béo hay quá ngọt.  Những chất phụ gia này ngăn con bạn cảm nhận mùi vị tự nhiên của thức ăn và chúng có thể làm hại tới sức khỏe lâu dài của bé.  Trẻ con thường nhạy cảm với những vị này hơn người lớn, chúng có thể từ chối những món ăn được nêm nếm quá nhiều gia vị.

Con của bạn có thể bị nghẹn bởi những khoanh thức ăn lớn vì chúng sẽ làm chặn đường thở của bé.  Nên nhớ rằng trẻ con không biết cách nhai kĩ cho tới khi chúng lên bốn.  Vào năm hai tuổi, hãy chắc rằng bất cứ thứ gì bạn đưa cho chúng đều được nghiền hoặc cắt thành miếng nhỏ, những miếng dễ dàng nhai được.  Đừng bao giờ cho chúng ăn đậu phộng, nho, cà bi (trừ khi được cắt làm bốn), cà rốt, các loại hạt (như là hạt bí ngô hay hạt hoa hướng dương), bánh mì xúc xích, các que thịt hoặc kẹo cứng (bao gồm các loại kẹo dẻo), hoặc là miếng bơ đậu phộng lớn (sẽ tốt hơn nếu phết mỏng bơ đậu phộng lên bánh quy giòn hoặc bánh mì).  Bánh mì xúc xích và cà rốt nói chung nên được cắt đều làm bốn theo chiều dọc và sau đó cắt nhỏ hình hạt lựu.  Cũng phải chắc rằng con bạn chỉ ăn trong khi đang ngồi và có sự giám sát của người lớn.  Tuy rằng bé có thể muốn làm mọi thứ cùng một lúc nhưng “ăn trong khi chạy” hoặc trong khi nói chuyện sẽ làm tăng nguy cơ bị nghẹn và ngạt thở.  Nên dạy bé nhai nuốt hết trước khi nói càng sớm chừng nào càng hay chừng ấy.

Giảm bớt đồ ngọt

Hầu hết mọi người sinh ra đều thích vị ngọt, con bạn cũng không ngoại lệ.  Như những người khác, bé bẩm sinh đã có thể nếm được vị ngọt và bé đã có thể phân biệt được các mức độ ngọt khác nhau rồi.  Nếu đưa cho bé một củ khoai lang và một miếng khoai tây nướng thì thế nào bé cũng sẽ chọn củ khoai lang.  Nếu để bé chọn giữa khoai lang và bánh quy thì bé sẽ chọn bánh quy.  Nhưng bạn đừng lo, chẳng phải do lỗi của bạn khi bé chạy thẳng một mạch đến cây kẹo hoặc que kem trong khi bạn muốn bé ăn một miếng phô mai.  Nhưng nhiệm vụ của bạn là giới hạn sự tiếp xúc với đồ ngọt của bé và cho bé một bữa ăn căn bản với nhiều chất dinh dưỡng để bé có thể phát triển và không bị sâu răng.

Viết một bình luận