Bệnh viêm ruột thừa

Vị trí của ruột thừa khiến cho việc viêm nhiễm xảy ra khá dễ dàng, chẳng hạn thức ăn hay phân có thể bị mắc kẹt bên trong ruột thừa, khiến cho phần này bị sưng lên và nhiễm trùng gây ra đau đớn

Ruột thừa là một cấu trục hẹp, hình ngón tay, rỗng gắn vào ruột lớn. Ruột thừa không phục vụ mục đích gì trong cở thể người nhưng có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng khi bị viêm.

Vị trí của ruột thừa khiến cho việc viêm nhiễm xảy ra khá dễ dàng, chẳng hạn thức ăn hay phân có thể bị mắc kẹt bên trong ruột thừa, khiến cho phần này bị sưng lên và nhiễm trùng gây ra đau đớn. Sự viêm nhiễm này được gọi là viêm ruột thừa.

Viêm ruột thừa thường xảy ra ở trẻ trên 6 tuổi nhưng cũng có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ tuổi hơn. Một khi đã bị nhiễm trùng, ruột thừa phải được cắt bỏ ngay, nếu không có thể vỡ ra làm tình trạng viêm nhiễm lan ra khắp vùng bụng.

Do bệnh có thể đe dọa đến tính mạng, bạn cần phải nhận biết được các triệu chứng của viêm ruột thừa để có thể gặp bác sĩ ngay từ những dấu hiệu đầu tiên. Theo thứ tự xuất hiện, các triệu chứng đó là:

  1. Đau bụng: đây thường là phàn nàn đầu tiên ở trẻ. Hầu như cơn đau luôn xuất hiện ở xung quanh vùng rốn và có thể tăng lên dữ dội ở phần bụng dưới bên phải. Thỉnh thoảng, nếu ruột thừa không nằm ở vị trí thông thường của nó, cơn đau có thể xuất hiện tại những vùng khác ở bụng hay ở lưng, hoặc có thể có các triệu chứng về tiết niệu, như đi tiểu thường xuyên hoặc bỏng rát. Ngay cả khi ruột thừa nằm ở vị trí bình thường và cơn đau nằm ở bên phải bụng dưới, nó có thể gây đau đớn ở vùng cơ hướng về chân, khiến trẻ phải đi khập khiễng hoặc xiêu vẹo.
  2. Nôn mửa: Sau vài giờ đau bụng, trẻ có thể bị nôn mửa. Bạn cần nhớ rằng trẻ bị viêm ruột thừa thường bị đau bụng trước khi nôn, chứ không phải sau khi nôn. Đau bụng sau khi nôn mửa là hiện tượng rất thường gặp ở những bệnh do vi rút gây ra như bệnh cúm.
  3. Biếng ăn: Cảm giác không thấy đói xuất hiện ngay sau khi bắt đầu cơn đau.
  4. Sốt: Nếu ruột thừa không bị vỡ, sốt thường xuất hiện dưới 39 độ C.

Thỉnh thoảng chúng ta không thấy được những triệu chứng liên quan tới viêm ruột thừa do trước đó trẻ đã bị viêm nhiễm do vi rút hoặc vi khuẩn. Tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, và sốt có thể xuất hiện trước cơn đau đặc trưng của viêm ruột thừa khiến cho việc chẩn đoán trở nên khó khăn hơn.

Thêm nữa, các cơn đau của con bạn có thể bỗng nhiên biến mất, làm cho bạn tin rằng mọi thứ đều ổn. Không may, sự biến mất đó cũng có thể là do ruột thừa đã bị vỡ ra hoặc rách. Cơn đau có thể biến mất trong vài giờ, nhưng đây lại chính là lúc viêm ruột thừa trở nên nguy hiểm. Viêm nhiễm này sẽ lan ra khắp vùng bụng, làm cho con bạn bệnh nặng hơn, sốt cao hơn và cần được đưa vào bệnh viện để phẫu thuật và tiêm kháng sinh vào tĩnh mạch. Lúc đó, việc hồi phục cần thời gian lâu hơn và xuất hiện nhiều biến chứng hơn so với khi được chẩn đoán và chữa trị sớm.

Cách chữa trị

Phát hiện ra các dấu hiệu của viêm ruột thừa không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là đối với trẻ dưới 3 tuổi vì trẻ chưa nói cho bạn biết được chúng đau ở đâu và cơn đau có chuyển dần xuống bên hông không. Vì vậy, ta nên hành động sớm nếu thấy trẻ có những cơn đau “khác lạ”, nghiêm trọng và khác với mọi khi.

Tuy hầu hết trẻ bị đau bụng không phải do viêm ruột thừa, chỉ có bác sĩ mới chẩn đoán được căn bệnh nghiêm trọng này. Nếu cơn đau bụng kéo dài từ 1 đến 2 giờ và con bạn bị buồn nôn, nôn mửa, biếng ăn, sốt, hãy báo ngay cho bác sĩ biết. Nếu bác sĩ không chắc có phải viêm ruột thừa không, họ sẽ theo dõi con bạn chặt chẽ trong vài giờ, trong hay ngoài bệnh viện. Trong thời gian này, bác sĩ sẽ xét nghiệm hoặc khám thêm để kiểm tra có những dấu hiệu nào thuyết phục hơn không. Nếu khả năng trẻ bị viêm ruột thừa cao, có thể trẻ sẽ được phẫu thuật càng sớm càng tốt để cắt bỏ ruột thừa. Đây là cách điều trị thông dụng nhất.

Viết một bình luận