Cảm lạnh – Viêm đường hô hấp

Nếu bé của có vấn đề về hít thở hay uống nước vì ngẹt mũi, hãy làm sạch mũi bé với saline (nước muối) dạng thuốc nhỏ mũi hay thuốc xịt, có thể được dùng không cần chỉ định.

Bé của bạn thông thường sẽ bị cảm hay bệnh viêm đường hô hấp nhiều hơn mọi loại bệnh khác. Riêng khoảng hai năm đầu đời, đa số trẻ em đều mắc từ tám tới mười đợt cảm. Các bé ở tuổi đi nhà trẻ hay đi học có thể còn bị cảm nhiều hơn, vì cảm cúm rất dễ dàng lan truyền khi trẻ em ở gần nhau. Đó là tin xấu, còn tin tốt là các cơn cảm cúm thường tự động tan đi mà không dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Cảm cúm xuất phát từ virus – những sinh vật truyền nhiễm cực nhỏ (nhỏ hơn rất nhiều so với vi khuẩn). Một cái hắt hơi hay ho cũng có thể truyền trực tiếp virus từ người này sang người khác. Virus cũng có thể lan truyền một cách gián tiếp, theo phương thức sau.

  1. Một em bé hay một người lớn bị nhiễm virus, trong lúc ho, hắt hơi, hay chạm vào mũi,  sẽ truyền một phần nhỏ virus lên tay.
  2. Sau đó người nhiễm sẽ chạm vào tay của một người khỏe mạnh
  3. Người khỏe mạnh này sẽ dùng tay nhiễm bẩn của mình chạm vào mũi, tạo điều kiện cho các tác nhân lây nhiễm tới được nơi mà nó có thể sinh sôi nảy nở – mũi hay cổ họng. Những triệu chứng cảm sẽ sớm xảy ra.
  4. Quy trình sẽ lặp lại, virus sẽ được truyền từ đứa bé hay người lớn mới bị nhiễm này sang một người khác, và tiếp tục.

Khi virus đã bắt đầu sinh sản, bé sẽ xuất hiện những triệu chứng quen thuộc như:

  1. Chảy mũi (thoạt tiên, là nước mũi không màu, sau đó là nước đặc hơn và có màu).
  2. Hắt xì.
  3. Sốt nhẹ (101-102 độ F [38.3 – 38.9 độC]), nhất là vào buổi tối.
  4. Ngán ăn.
  5. Đau họng và, có thể, khó nuốt.
  6. Ho.
  7. Dễ bị kích thích, tính khí thất thường.
  8. Sưng nhẹ ở hai tuyến cổ.
  9. Có mủ ở amidan, nhất là ở những bé 3 tuổi hoặc lớn hơn, có thể biểu hiện nhiễm khuẩn liên cầu.

Nếu bé chỉ bị cảm thông thường, những triệu chứng sẽ biến mất dần dần sau bảy đến mười ngày.

CHỮA TRỊ

Một đứa trẻ lớn hơn bị cảm thông thường không cần đi bác sĩ trừ khi tình hình trở nên nghiêm trọng. Nhưng nếu bé chỉ 3 tháng tuổi hoặc nhỏ hơn, hãy gọi bác sĩ nhi khoa ngay khi thấy những dấu hiệu đầu tiên. Với một em bé nhỏ, những triệu chứng thường dễ lầm lẫn, và cảm cúm có thể nhanh chóng trở thành những bệnh nguy hiểm hơn, như viêm tiểu phế quản, bệnh bạch hầu, viêm phổi. Nếu là  một bé lớn hơn 3 tháng tuổi, hãy gọi bác sĩ khoa nhi nếu:

  1. Lỗ mũi to ra mỗi lần thở, vùng da bên trên hay bên dưới xương sườn thóp vào mỗi lần thở (co rút), hoặc bé thở liên tục hay có gặp khó khăn khi hít thở.
  2. Môi hay móng tay chuyển sang màu xanh.
  3. Dịch nhầy của mũi vẫn còn dai dẳng hơn mười đến mười bốn ngày
  4. Không thể hết ho (ho hơn một tuần)
  5. Bé bị đau ở lỗ tai (xem Viêm Tai Giữa, trang 650).
  6. Nhiệt độ của bé hơn 102 độ F (38.9 độ C)
  7. Bé buồn ngủ hay cáu kỉnh quá độ.

Bác sĩ có thể sẽ muốn gặp em bé, hay ông ta sẽ yêu cầu bạn theo dõi kỹ và báo lại nếu bé không đỡ hơn mỗi ngày và  không hoàn toàn hồi phục trong một tuần kể từ khi bắt đầu bệnh.

Điều không may măn là không có cách nào chữa bệnh cảm thông thường cả. Kháng sinh có thể dùng để chống lại nhiễm trùng, nhưng nó vô tác dụng trước virus, vì vậy điều tốt nhất bạn có thể làm là làm cho bé dễ chịu. Hãy cho bé nghỉ nhiều hơn và uống nhiều chất lỏng. Nếu bé bị sốt hay cảm thấy khó chịu, hãy cho bé uống một viêng acetaminophen hay ibuprofen. Ibuprofen được cho phép sử dụng với trẻ em sáu tháng hoặc lớn hơn; dù vậy, không bao giờ nên sử dụng với các bé đang mất nước hay ói mửa liên tục. (Làm theo hướng dẫn sử dụng về tuổi của bé và thời gian giữa mỗi lần uống.)

Một điều rất quan trọng là không nên cho em bé sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi uống những loại thuốc ho và cảm không cần bác sĩ kê đơn vì chúng có những tác dụng phụ gây chết người. Hơn nữa một vài nghiên cứu cho thấy thuốc ho và cảm không có tác dụng ở trẻ nhỏ hơn sáu tuổi vàc có thể có những tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì thế, hãy nhớ rằng ho là để giải phóng đờm ra khỏi phần dưới của hệ hô hấp, do đó không lý do gì để cản trở nó.

Nếu bé của có vấn đề về hít thở hay uống nước vì ngẹt mũi, hãy làm sạch mũi bé với saline (nước muối) dạng thuốc nhỏ mũi hay thuốc xịt, có thể được dùng không cần chỉ định. Sau đó có thể hút dịch ra bằng một ống hút cao su cứ mỗi vài giờ hay trước lúc ăn hay trước khi ngủ. Nếu dùng nước nhỏ mũi, hãy dùng ống nhỏ đã được chùi kỹ bằng xà bông và nước và rửa lại bằng nước sạch. Nhỏ hai giọt lên hai lỗ mũi khoảng 15 đến 20 phút trước bữa ăn, và ngay lập tức hút dịch ra bằng ống hút. Không bao giờ sử dụng nước nhỏ mũi chứa bất kỳ loại thuốc nào, vì một lượng lớn có thể đuợc hấp thụ. Chỉ sử dụng nước muối để nhỏ mũi.

Khi sử dụng ống hút mũi, nhớ bóp đầu bơm trước, nhẹ nhàng đặt ống vào mũi bé, và từ từ nhả đầu bơm ra. Việc này sẽ rút bớt chất nhầy ra khỏi mũi bé, khiến bé có thể hít thở bình thường lại. Bạn sẽ thấy phương thức này hiệu quả nhất khi bé của bạn dưới 6 tháng tuổi. Khi bé lớn hơn, bé sẽ chống lại ống hút, làm việc hút dịch mũi khó hơn, nhưng hình thức nhỏ mũi thì vẫn còn tác dụng.

Đặt một máy làm ẩm không khí ở phòng bé cũng có tác dụng giữ nước mũi bé lỏng hơn và khiến bé dễ chịu hơn. Đặt máy ở gần bé (nhưng ngoài tầm với của bé) để bé có được đầy đủ lợi ích từ hơi ẩm này. Hãy lau chùi và làm khô máy làm ẩm mỗi ngày để ngăn ngừa vi khuẩn hay bụi đất.

Không nên dùng máy xông hơi nước nóng vì nó có thể gây ra những vết bỏng nghiêm trọng.

CÁCH PHÒNG TRÁNH

Nếu con bạn dưới ba tháng tuổi, cách phòng tránh cảm lạnh hiệu quả nhất là để bé tránh xa những người bị cảm. Điều này đặc biệt đúng khi vào mùa đông, nhiều virus gây ra cảm cúm đang hoạt động với số lượng lớn. Một virus gây ra bệnh thông thường ở một bé lớn hay một người lớn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn ở một bé sơ sinh.

Nếu con bạn đi trong nhà trẻ và bị cảm, dạy bé tránh xa mọi người khi ho và hắt hơi, dùng khăn giấy để ho và chùi mũi. Việc này có thể tránh cho bé lây nhiễm bệnh cảm sang cho người khác. Tương tự, nếu bé của bạn có thể tiếp xúc với trẻ bị nhiễm và bạn có thể giữ bé ra khỏi môi trường đó, thì hãy làm ngay. Cũng nên dạy bé rửa tay đều đặn trong ngày; việc này sẽ giảm. đi sự lây lan của viruses.

Một điều nữa là nên sử dụng khăn giấy hay khăn mùi soa sẽ tốt hơn là dùng tay để che miệng khi ho hay hắt hơi. Nếu virus ở trên tay bé, nó có thể được đưa đến bất kỳ đâu bé đụng vào- một người thân, người bạn, hay đồ chơi.

Viết một bình luận